23:30:03 HẦU QUYỀN | |
* Lê Huy Trứ Người Trung Hoa và người Ấn Độ coi khỉ như một con vật linh thiêng là thần khỉ, hầu vương, đại thánh tề thiên. Trong lãnh vực võ thuật cổ truyền, khỉ có riêng biệt những thế võ khỉ được gói ghém trong những bài “Hầu Quyền”. Có nhiều truyền thuyết về Hầu Quyền nhưng lai lịch, xuất xứ của môn võ này thì dường như bao quanh bởi một lớp huyền thoại. Có nhà nghiên cứu cho rằng chính Ngô Thừa Ân đã cảm tác nhân vật Tôn Ngộ Không từ hầu quyền và người xưa lại dùng tích Tôn Ngộ Không để đặt tên cho một số chiêu thức của Hầu Quyền. Nhưng dù truyền thuyết hay lý luận thực tiễn thì có một điều mà không ai có thể phủ nhận đó là dựa vào tính cách đặc thù của loài khỉ trong lúc chiến đấu mà người Trung Hoa chế ra tượng hình quyền nổi danh của võ học Trung Hoa. Hầu Quyền (猴拳) là một môn võ dựa theo thần thái, động tác, kỹ thuật chiến đấu của loài khỉ, nằm trong hệ thống các kỹ thuật được gọi là tượng hình quyền (hay "hình ý quyền linh thú",) mô phỏng qua động tác chiến đấu của các con thú. Trong "thập đại hình tượng" của Thiếu Lâm phái bao gồm Long (龍, rồng), Xà (蛇, rắn), Hổ (虎, hổ), Báo (豹, báo), Hạc (鶴, chim hạc), Sư (獅, sư tử), Tượng (象, voi), Mã (馬, ngựa), Hầu (猴, khỉ), Điêu (鵰, chim điêu) hoặc Kê (雞, gà), thì hầu quyền đứng hạng thứ 9. Theo “Thượng thư” (Trung Quốc cổ thư), những tư thế mô phỏng dáng điệu, động tác của muông thú được gọi chung dưới tên “Bách thú vũ”. Sau kết hợp động tác với kỹ thuật chiến đấu thành một thể loại võ thuật là “Hình tượng quyền”. Hầu Quyền là “Hình tượng quyền” được biết đến từ thời nhà Hán (206 TCN) với điệu “Mi hầu vũ”. Thời Tây Hán, một viên quan trong buổi đại yến, lúc ngà ngà say đã trình diễn vũ điệu Mi hầu. Thời Hậu Hán (25 - 220) và Tam quốc phân tranh (220 - 260), danh y Hoa Đà sáng chế “Ngũ cầm hí” gồm: Hổ (cọp), Lộc (nai), Hùng (gấu), Viên (vượn) và Điểu (chim) để luyện tập cơ thể. Đời nhà Minh (1368 - 1644), Hầu Quyền đã nổi tiếng và phổ biến rộng trong giới võ lâm. Thích Kế Quang, danh tướng đương thời, đã viết “Kỷ hiệu tân thư”, nói rằng Tống Thái Tổ không những có Tam Thập Nhị Thế Trường Quyền mà còn có Lục Bộ Quyền, Hầu Quyền và Ngoa Quyền. Theo “Giang Nam kinh lược”, sách được in vào năm Long Khánh thứ ba (1569), Trịnh Nhược Tăng đã chép rằng có 36 đường Hầu Quyền, điều này cho thấy Hầu Quyền đã phát triển mạnh vào thế kỷ 16. Cuối đời nhà Thanh (1644 - 1911), tại địa khu Cao Sơn, thuộc huyện Nhạc, tỉnh Thiểm Tây, lưu truyền một loại hình quyền thuật với tên gọi “Diêu tử Cao Sơn đấu luyện quyền”, môn luyện này giống với Hầu Quyền ngày nay. Hầu Quyền được giới võ yêu chuộng vì diễn luyện không những thể hiện được các động tác của loài khỉ mà còn làm sống được cái thần thái, thần khí của loài linh vật này. Đặc điểm quyền pháp khỉ là một hệ thống quyền thuật mô phỏng các vận động trong sinh hoạt, các động tác chiến đấu cũng như chiến thuật của loài khỉ đối phó với đồng loại hay các loài thú khác, hầu quyền chú trọng các kỹ thuật nhảy, nhào lộn, chụp bắt làm sở trường. Luyện tập Hầu Quyền mang lại sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho cơ thể, nhặm lẹ trong động tác, chạy, nhảy, tránh, né với những tư thế mà con người bắt chước đưa vào ứng dụng để phòng thủ hoặc tấn công trong võ thuật, nhất là có được sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai của khỉ. Hầu Quyền đòi hỏi ở người sử dụng sự phối hợp nhịp nhàng của thủ pháp, cước pháp và thân pháp linh động nhẹ nhàng. Các động tác của Hầu Quyền đều phụ thuộc vào tính linh hoạt, cái trò khỉ nhảy nhót, nhạy cảm của đôi mắt, và nhất là tài đóng kịch khó lường của bộ mặt. Người luyện hầu quyền thường phải chu môi lại khi thi triển công phu, thở bằng mũi, do đó việc luyện tập thở được nhấn mạnh trong bộ môn công phu này. Ngoài ra, để uyển chuyển và linh hoạt bay nhảy, người học hầu quyền phải học cả khinh công và khí công. Vì Hầu Quyền áp dụng nguyên lý dĩ nhu thắng cương nên thường kết hợp né tránh linh hoạt và tấn công hiểm hóc. Chiêu thức trong hầu quyền thường nhắm vào các yếu huyệt của đối phương như Mi Tâm, Thái Dương, Đan Điền, Tâm Hoa v.v., khiến hầu quyền trở thành một trong những bộ môn quyền thuật ác hiểm nhất. Võ tăng Chùa Thiếu Lâm truyền nhau từ đời này qua đời khác công phu “Nhị thập nhị Hầu quyền yếu lĩnh - 22 yếu lĩnh Hầu quyền”: Cương (cứng), Nhu (mềm), Khinh (nhẹ), Linh (linh hoạt), Miên (dai dẳng), Xảo (khéo léo), Đoá (ẩn náu), Thiểm (nghiêng mình), Thần (thần khí), Thúc (đeo ghì), Trảo (gãi, chộp lấy), Toái (vung tay), Thỉa (hái), Thiết (cắt), Điêu (gò, kềm bằng cổ tay), Nã (bắt lấy), Khấu (giằng bằng hai tay), Đính (khiêu, chọc), Triền (quấn quanh), Đặng (ngơ ngác), Đoán (giậm gót chân hoặc đá ra sau bằng gót chân), Đàn (đá rút chân nhanh). Ca quyết Hầu quyền: Khiêu dược toàn chuyển khoái như phong; Tam thiểm lục đóa mật lâm trung; Gian hiểm hoàn cảnh năng thiên ứng; Cơ cảnh mẫn tiệp thể khinh tông; Thái trích tiên đào tập như thường; Tứ xứ khuy vọng thiện đoá tàng; Trảo đả câu quải hiển linh khí; Hầu quyền thần kỹ kham tán dương. Dịch nghĩa: Nhảy múa quay cuồng như gió lốc; Ba lần nghiêng tránh, sáu lần che; Hoàn cảnh khó khăn nào cũng vượt; Nhẹ nhàng thân thể khéo biến di; Thành thạo hái đào như thường lệ; Ẩn mình khéo léo bốn phương trông; Chộp, đánh, móc, treo linh hoạt khí; Hầu quyền tài nghệ đáng khen thay. Cũng như những tượng hình quyền khác, luyện tập Hầu Quyền có những nguyên tắc mô phỏng động tác, diễn cảm, tập trung tinh thần không sơ hở trong đòn thế, bộ pháp nhẹ nhàng, thân pháp linh hoạt, nhãn pháp xuất thần, đó là “Hầu quyền Ngũ cú kinh” gồm Hình tượng, Ý chân, Pháp mật, Bộ khinh và Thân hoạt. Căn bản của Hầu Quyền là “Thủ nhãn thân pháp bộ, tinh thần khí lực công” (tay linh hoạt, mắt lộ thần, thân thể tráng kiện, kỹ thuật chiến đấu hiệu quả, chân di chuyển khéo léo kết hợp với tinh thần khí lực và công phu). Người luyện Hầu Quyền luôn tâm niệm câu “Thủ đáo nhãn bất đáo, đẳng ư hạt triêu náo” (tay đã đạt đến sự linh hoạt mà mắt không đạt đến việc lộ thần thì sự thành công ở thủ pháp không còn đáng kể nữa.” Chính vì vậy đôi mắt trong Hầu Quyền vô cùng quan trọng. Một số chiến thuật giao đấu của Hầu quyền: - Lực tranh chủ động, kích đả nhược điểm; - Thức phá ý đồ, tiên phát chế nhân; - Đa đầu tiến công, nhất điểm đột phá; - Lợi dụng quy luật, điều động đối thủ; - Nhược điểm dụ hoặc, kiềm chế đối thủ; - Chuyển di mục tiêu, bãi thoát đối thủ. Một số tên thế võ Hầu Quyền: - Kinh hầu đào thoán (khỉ sợ bỏ chạy); - Hầu nhi thỉa đào (khỉ con hái đào); - Viên hầu ba thụ (khỉ vượn trèo cây); - Linh hầu phi chuyển (khỉ khôn bay chuyển); - Hầu tử thu đào (con khỉ hái đào); - Toạ hầu nghinh tân (khỉ ngồi đón khách); - Hầu vương trá tẩu (vua khỉ giả chạy); - Lão hầu toạ thạch (khỉ già ngồi trên đá)… Trung Hoa có một môn phái mang tên Đại Thánh bát quái môn, lấy các chiêu thức nền tảng là hầu quyền. Môn phái đặt tổng đàn tại Hồng Kông và phát triển tại nhiều nơi khác trên thế giới. Tại Việt Nam trước 1975 cũng có cao thủ hầu quyền học từ Đại Thánh bát quái môn tên là Trần Lâm. Trần Lâm qua đời để lại duy nhất một truyền nhân mang tên Trần Cẩu, hiện đã cao tuổi sống ở Nhơn Nghĩa Đường. Tại thành phố Huế, Việt Nam có tồn tại một môn phái có tên là Hồng phái - Hầu quyền đạo Việt Nam, được thành lập từ những năm 1975. Chưởng môn võ này là võ sư Hoàng Thành, phó chưởng môn phái là võ sư Nguyễn Văn Anh, Trưởng tràng là võ sư Tôn Thất Bình. Môn phái được phát triển mạnh từ những thập niên 1980. Đặc trưng của môn phái là nhu nhuyễn âm kình, nguyên lý âm dương tương tế, dĩ nhu thắng cương. Môn phái Hầu Quyền này thuộc nội gia quyền, luyện nhu nhuyễn hao hao như Thái cực quyền. Tuy vậy, Hồng phái Hầu quyền đạo Việt Nam tương đối dị biệt so với các loại hầu quyền trên toàn thế giới như là Hầu quyền theo phái Thiếu Lâm của người Trung Hoa, hầu quyền của môn số môn phái của võ cổ truyền Việt Nam. Tóm lại, võ khỉ đại khái là nhảy nhót như con khỉ, làm trò khỉ, còn lại những chiêu thức được gọi là tuyệt chiêu, bí truyền, độc hiểm chỉ để lòe khán giả nhẹ dạ trên màn ảnh hay làm xiếc qua đường mua vui cho con nít chứ võ khỉ cũng như những môn võ súc vật khác của Tàu đều là hữu danh vô thực không thật sự chiến đấu hửu hiệu ngoài đời và nhất là trên võ đài. Đa số sư phụ dạy Kung Fu chưa lên võ đài lần nào, chưa thật sự kinh nghiệm với full contacts lần nào thì làm sao mà dạy học trò đánh đấm được? Chùa Thiếu Lâm Tự cũng như đa số những võ đường trên thế giới chỉ “bán võ vô dụng” chứ không thật sự “dạy võ hữu dung”. Đơn giản, như cáo mượn oai hùm, nếu sinh ra là con gà nuốt dây thun, con vịt đẹt, nhát gan như thỏ, yếu đuối như sên thì dù có học võ khỉ, võ cọp, võ voi, võ rồng đến khi gặp cọp thiệt, khỉ thiệt, voi thiệt và rồng thiệt thì tè ra trong quần quên mất cái bản lai diện mục nguyên hình của mình. Cho nên, mình là con gì thì sinh ra làm con nấy, không thể luyện cho con cừu thành con sói được nhưng chúng ta có thể luyện cho con cừu thành con cừu mạnh giỏi hơn những con cừu khác. Không có môn võ nào trên đời có thể làm cho mình trở thành một tay thiện chiến được trừ khi mình sinh ra đã có cái khiếu trời cho đó. Cái tuyệt chiêu cao siêu nhất của khỉ là cắn tuy nhiên từ cổ chí kim chưa có ai lập ra môn phái gọi là “khẩu quyền”. Quyền cắn cũng là quyền tự vệ, “có quyền được cắn chửi tự do” nếu bị nguy hiểm tới bản thân. Có thể các tiền bối võ lâm không dám lập ra môn phái cắn này nếu không thì võ lâm sẽ bị đại loạn vì các môn phái chó, khỉ, người… sẽ cắn nhau để dành ngôi minh chủ võ lâm. Có thể chúng ta không có khiếu thiên bẩm, cắn hơn chó hay khỉ để trở thành thiên hạ đệ nhất cắn. Đây là điều mà người Tây Phương lẫn con cháu của ta bây giờ ở hải ngoại không hiểu nổi “ý Tàu từ đâu sang” thay vì phải tu cả ngàn kiếp, tụng thủng vài chục cái mõ, lật rách cả trăm cuốn kinh Phật, ngồi mòn cả chục cái bàn tọa mới may mắn đầu thai làm người, vậy mà Tàu họ lại ưa làm súc vật, khỉ, cò, chim... cho nên chế ra đủ thứ quyền súc vật cho người bắt chước để luyện võ. “Hầu quyền, khỉ cước” của Tàu ngày nay nó thâm nhập vào kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, tôn giáo của Tàu với nhiều độc tính (toxic) còn hơn ngày xưa. Mà nước bị khỉ bắc phương xâm lược và bị “nị ngộ không” dùng làm thí nghiệm “ngộ không ngộ” đầu tiên không ai khác hơn là Việt Nam. Muốn trừ căn tà bệnh này, phải xin nước Cam Lồ của Phật Quan Âm ở bên Tây Phương để rót xuống biển Đông may ra có thể trừ được con khỉ đột yêu quái này. Tuy biết vậy nhưng thói thường con người học an tâm không học lại đi học cái “tâm viên ý mã” vì ý mã tâm viên cũng có thể là những gì mà con người tập tục lẫn thiên khiếu khỉ ngựa nên bắt chước dễ dàng hơn là bản tâm an tịnh từ nguyên thủy? Tâm giống như con khỉ (kapicitta) cũng là một thuật ngữ, Đức Phật đã dùng để diễn tả các hành vi bồn chồn, lo lắng, khuấy động, dễ dàng bị rối trí, chi phối và không ngừng thay đổi của ý thức, hoặc cái biết sai lạc của con người còn vô minh. Cho nên luyện Hầu Quyền để đạt tới tâm ngộ cái không của Tôn Ngộ Không chứ không phải nhập tâm khỉ, nhảy nhót, nhăn nhó, leo trèo, cầm bắt y như khỉ. Tâm của khỉ bổn tính không viên; ý mã tự nó không phi chỉ có con người bắt chước khỉ mới động tâm viên, ý phi như mã. Muốn đạt tới lô hỏa thuần thanh trong hầu quyền pháp người tập phải luyện tới mức tâm khí thần hợp nhất, “tĩnh tại nhãn, khí tại khứu, thần tại tâm”. | |
|
Total comments: 0 | |